Ninh Sơn ban hành Kế hoạch tổng thể về thích ứng với tình hình dịch COVID-19, bảo đảm tổ chức dạy và học an toàn, chất lượng trên địa bàn huyện Ninh Sơn

Đăng ngày 05 - 05 - 2022
Lượt xem: 358
100%

 

Ủy ban nhân dân huyện Ninh Sơn ban hành Kế hoạch tổng thể về thích ứng với tình hình dịch COVID-19, bảo đảm tổ chức dạy và học an toàn, chất lượng trên địa bàn huyện Ninh Sơn, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU:

1. Mục tiêu chung:

Bảo đảm tổ chức các hoạt động dạy và học thích ứng an toàn với dịch COVID-19, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh, củng cố và duy trì chất lượng giáo dục và đào tạo.

2. Mục tiêu cụ thể:

a) Nâng cao nhận thức và khả năng thích ứng với dịch COVID-19 bảo đảm các hoạt động giáo dục, đào tạo không bị “đứt gãy”.

b) Bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 cho người học, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục khi tổ chức các hoạt động giáo dục, đào tạo trực tiếp tại nhà trường.

c) Hoàn thành mục tiêu, kế hoạch năm học 2021-2022 và các năm học tiếp theo bảo đảm chất lượng và công bằng trong tiếp cận giáo dục cho tất cả các đối tượng người học.

d) Tổ chức xây dựng và phát triển nền tảng dạy học trực tuyến, hệ thống học liệu số, bài giảng số có chất lượng dùng chung phù hợp với đổi mới nội dung, phương pháp dạy học và đáp ứng yêu cầu tổ chức dạy học thích ứng với dịch bệnh; thực hiện quản lý điều hành và bảo đảm chất lượng dịch vụ giáo dục công dựa trên công nghệ và dữ liệu số.

đ) Tổ chức hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho trẻ em, học sinh bị ảnh hưởng của dịch COVID-19.

e) Bảo đảm các điều kiện tổ chức dạy học thích ứng an toàn, hiệu quả với dịch COVID-19.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP:

1. Tăng cường tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức về tổ chức dạy học thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch COVID-19:

a) Tổ chức phổ biến, quán triệt các chỉ đạo của Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của huyện và các văn bản hướng dẫn của Sở GDĐT, Sở Y tế về tổ chức các hoạt động dạy học thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch COVID-19 và thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 gắn với phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

b) Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của học sinh, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục và phụ huynh học sinh trong việc thực hiện các quy định, hướng dẫn về phòng, chống dịch bệnh trong nhà trường.

c) Tăng cường tuyên truyền tạo sự đồng thuận, niềm tin của xã hội, nhất là phụ huynh học sinh trong việc tổ chức dạy học trực tiếp bảo đảm an toàn trong bối cảnh dịch COVID-19 có thể còn kéo dài.

2. Chủ động, linh hoạt các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, bảo đảm thích ứng an toàn, chất lượng với dịch COVID-19:

a) Xây dựng các phương án tổ chức chăm sóc, dạy học thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả với dịch COVID-19 để hoạt động giáo dục, đào tạo được thực hiện liên tục trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp.

b) Chủ động, linh hoạt chuyển đổi, áp dụng các hình thức dạy học trực tiếp, trực tuyến, trên truyền hình hoặc kết hợp các hình thức dạy học phù hợp với tình hình diễn biến của dịch bệnh tại địa phương.

c) Xây dựng phương án bảo đảm chương trình, nội dung dạy học cho học sinh trong trường hợp áp dụng hình thức dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình hoặc kết hợp giữa dạy học trực tiếp với dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình; thực hiện đúng các hướng dẫn về nội dung dạy học của Sở GDĐT phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường và đối tượng học sinh, tránh gây áp lực, quá tải cho học sinh, giáo viên.

d) Tăng cường áp dụng các phương pháp dạy học hiện đại, tích cực nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục đào tạo và phù hợp với việc áp dụng linh hoạt các hình thức dạy học trong điều kiện dịch bệnh.

đ) Áp dụng linh hoạt các phương thức kiểm tra, đánh giá học sinh, nhất là kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông theo yêu cầu cần đạt của chương trình và hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học thích ng với tình hình dịch bệnh, không gây áp lực quá tải và bảo đảm quyền lợi cho học sinh.

3. Bảo đảm an toàn khi tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp tại các sở giáo dục:   

a) Cập nhật thường xuyên kết quả đánh giá cấp độ dịch của địa phương (đến địa bàn cấp xã) để xây dựng triển khai thực hiện linh hoạt kế hoạch giáo dục và chuyển đổi hình thức dạy học phù hợp với diễn biến của dịch bệnh.

b) Xây dựng phương án, kịch bản xử lý các tình huống xuất hiện dịch trong quá trình t chức dạy học trực tiếp tại trường học; chủ động xử lý khi có các trường hợp F0, F1 trong trường học một cách phù hợp, theo hướng dẫn của ngành Y tế, tránh xử lý cực đoan, hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh trong nhà trường; sẵn sàng phương án chuyển sang dạy học trực tuyến, trên truyền hình khi dịch có diễn biến phức tạp.    

c) Phối hợp với ngành Y tế trong việc triển khai tiêm chủng phòng COVID-19 bảo đảm đủ liều, đúng đối tượng cho trẻ em, học sinh; thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng dịch, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị theo yêu cầu bảo đảm an toàn, vệ sinh trường học trong tình hình mới tại nhà trường.

d) Tiếp tục triển khai hiệu quả Bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học; Sổ tay bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học và các quy định khác về phòng, chống dịch trong trường học; hướng dẫn trẻ em, học sinh, sinh viên các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 nhằm bảo đảm an toàn khi tổ chức dạy học trực tiếp tại nhà trường, góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh.

đ) Theo dõi, khám sức khỏe định kỳ cho trẻ em, học sinh tại trường học; phối hợp chặt chẽ với gia đình trong việc theo dõi, quản lý sức khỏe của người học để phòng ngừa, phát hiện sớm các trường hợp nhiễm, nghi nhiễm nhằm xử lý, ngăn chặn kịp thời.

e) Rà soát, kiện toàn và nâng cao năng lực đội ngũ nhân viên y tế trường học (chuyên trách hoặc kiêm nhiệm); đảm bảo mỗi cơ sở giáo dục có đầu mối thường trực phối hợp với y tế cơ sở trong công tác phòng, chống dịch và chăm sóc sức khỏe học sinh.

4. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, tăng cường chuyển đổi số trong giáo dục để tổ chức linh hoạt, hiệu quả các hình thức dạy học:

a) Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học đáp ứng yêu cầu tổ chức dạy học trực tuyến; phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin, dịch vụ viễn thông để bảo đảm cung cấp nền tảng dạy học trực tuyến ổn định.

b) Phát triển kho học liệu số chia sẻ dùng chung toàn ngành, gồm: Bài giảng điện tử, tài liệu, học liệu số đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử, phần mềm mô phỏng và các học liệu khác; phát triển hệ thống ngân hàng câu hỏi trực tuyến cho các môn học.

c) Phát triển hệ sinh thái chuyển đổi số hoạt động dạy học, kiểm tra, đánh giá và nghiên cứu khoa học; triển khai một số nền tảng số dạy và học trực tuyến với các tính năng tiên tiến hỗ trợ học tập cá thể hóa và tăng cường trải nghiệm; tăng cường kiểm tra, thi trên máy tính và trực tuyến; kết nối nền tảng dạy học trực tuyến với nền tảng quản trị nhà trường và mạng lưới thiết bị kết nối Internet (IoT).

d) Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục, nâng cao năng lực số đối với người học, người dạy, nhân viên, cán bộ quản lý giáo dục và đội ngũ cán bộ phụ trách ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành Giáo dục.

5. Hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh:

a) Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh và cha mẹ học sinh về ý nghĩa, vai trò của tư vấn tâm lý học đường trong bối cảnh dịch COVID-19 kéo dài. Phát huy vai trò của cha mẹ học sinh trong việc giám sát, đồng hành tư vấn và hỗ trợ học sinh khắc phục khó khăn trong học tập.

b) Triển khai các hoạt động hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh giúp các em sẵn sàng tâm lý cho việc chuyển đổi giữa các hình thức học trực tiếp, trực tuyến, trên truyền hình hoặc kết hợp; quan tâm tới từng đối tượng học sinh để phòng tránh khủng hoảng tâm lý do tác động của dịch COVID-19, nhất là các đối tượng học sinh khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn và chịu tác động trực tiếp của dịch COVID-19.

c) Chú trọng bồi dưỡng, nâng cao năng lực, chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ, nhà giáo, nhân viên và cộng tác viên phụ trách tư vấn tâm lý trong nhà trường; chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về hoạt động tư vấn tâm lý trong trường học, đặc biệt trong điều kiện dạy học trực tuyến.

d) Tăng cường phối hợp với các chuyên gia, các trung tâm tư vấn tâm lý trong hoạt động hỗ trợ, tư vấn tâm lý, kỹ năng phòng, chống các bệnh về học đường khi tham gia học tập trực tuyến, học trên truyền hình; đánh giá tác động và đề ra các giải pháp khắc phục ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19 đến tâm lý của học sinh.

đ) Bảo đảm an toàn và phòng, chống bạo lực học đường khi tổ chức dạy học trực tiếp; phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân và gia đình học sinh tăng cường nắm bắt diễn biến tâm lý, tư vấn tâm lý kịp thời, hỗ trợ học sinh về thái độ, kỹ năng để sớm thích nghi, ổn định việc học tập và rèn luyện.

6. Tăng cường nguồn lực đầu tư để tổ chức hiệu quả hoạt động dạy học thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch COVID-19:  

a) Bảo đảm tỷ lệ chi ngân sách Nhà nước cho giáo dục và đào tạo để đầu tư bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý và nhân viên ngành Giáo dục.

b) Tuyển dụng đủ chỉ tiêu biên chế giáo viên được giao để bảo đảm đội ngũ đáp ứng yêu cầu tổ chức các hoạt động dạy học thích ứng với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.

c) Tích cực triển khai chương trình “Sóng và Máy tính cho em” kịp thời theo chương trình “Sóng và Máy tính cho em” của Bộ GDĐT với mục tiêu hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn để có thiết bị học trực tuyến.

d) Thường xuyên rà soát, đánh giá thực trạng hạ tầng viễn thông, nhất là ở vùng sâu, vùng xa để xây dựng kế hoạch đảm bảo tất cả các trường học đều được phủ sóng, kết nối Internet đáp ứng yêu cầu dạy và học trong tình hình mới.

đ) Triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với học sinh bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 và có nhu cầu mua máy tính, thiết bị học tập phục vụ học trực tuyến; trong đó tập trung vào nhóm đối tượng là học sinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

7. Xây dựng chính sách hỗ trợ người lao động và các cơ sở giáo dục ngoài công lập chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19:

a) Nghiên cứu, rà soát, đề xuất các chính sách hỗ trợ người lao động làm việc tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhằm tạo động lực cho người lao động yên tâm gắn bó lâu dài với nghề.

b) Triển khai kịp thời chính sách tín dụng ưu đãi đối với các cơ sở giáo dục mầm non tư thục để kịp thời tháo gỡ khó khăn, duy trì hoạt động và đẩy nhanh quá trình phục hồi sau dịch COVID-19.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Phòng Giáo dục và Đào tạo:

a) Tổ chức triển khai, hướng dẫn thực hiện Kế hoạch tổ chức dạy học an toàn thích ứng với tình hình dịch COVID-19 tại địa phương; chỉ đạo các đơn vị trường học trực thuộc xây dựng Kế hoạch về thích ứng với tình hình dịch COVID-19, bảo đảm tổ chức dạy và học an toàn, chất lượng trong trường học;

Phối hợp với ngành Y tế trong công tác triển khai tiêm chủng phòng COVID-19 bảo đảm đủ liều, đúng đối tượng cho trẻ em, học sinh. Tiếp tục triển khai hiệu quả Bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học; sổ tay bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học và các quy định khác về phòng, chống dịch trong trường học;

Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục chủ động xây dựng kế hoạch, kịch bản, giải pháp ứng phó với dịch COVID-19, bảo đảm an toàn trường học, hoàn thành kế hoạch năm học 2021-2022 và các năm tiếp theo;   

Thực hiện rà soát, triển khai thực hiện nghiêm túc các điều kiện bảo đảm an toàn phòng, chống dịch và an toàn trường học, chú trọng công tác tổ chức bữa ăn bán trú nhằm hỗ trợ các cơ sở giáo dục trên địa bàn tổ chức việc dạy học trực tiếp theo hướng dẫn của Bộ GDĐT;

Tham mưu UBND huyện công tác tổ chức hình thức dạy học linh hoạt tại từng địa bàn dựa trên nguyên tắc thích ứng an toàn, hiệu quả trong bối cảnh dịch còn kéo dài.

b) Tiếp tục tổ chức, hướng dẫn các trường học tham gia xây dựng các bài giảng trực tuyến, bài giảng trên truyền hình; đặc biệt là các bài giảng theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 để tạo nguồn cung cấp cho các địa phương tổ chức dạy học trực tuyến, trên truyền hình; hỗ trợ triển khai các nền tảng dạy học trực tuyến, quản trị cơ sở giáo dục, xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin quản lý giáo dục.

c) Thường xuyên kiểm tra, đánh giá tác động tiêu cực của việc học trực tuyến, đặc biệt đối với trẻ nhỏ để có giải pháp hỗ trợ kịp thời.

d) Phối hợp với Trung tâm Y tế tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn về phòng, chống dịch cho đội ngũ nhân viên chuyên trách và kiêm nhiệm về y tế trường học, cán bộ quản lý giáo dục và nhà giáo.

đ) Tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình “Sóng và Máy tính cho em” nhằm hỗ trợ thiết bị học trực tuyến, dịch vụ viễn thông hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; phối hợp với các nhà tài trợ đẩy nhanh việc làm thủ tục tiếp nhận, lên phương án điều phối máy tính cho các trường học khó khăn, bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch.

e) Động viên, khen thưởng kịp thời các tấm gương nhà giáo và học sinh trong dạy và học ứng phó với dịch COVID-19, tạo tâm thế và động lực cho các giáo viên, học sinh cố gắng duy trì chất lượng giáo dục.

g) Bảo đảm an toàn và phòng, chống bạo lực học đường khi tổ chức dạy học trực tiếp; phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân và gia đình học sinh tăng cường nắm bắt diễn biến tâm lý, tư vấn tâm lý kịp thời, hỗ trợ học sinh về thái độ, kỹ năng để sớm thích nghi, ổn định việc học tập và rèn luyện; xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp vi phạm hoặc để xảy ra các vụ việc bạo lực học đường, gây mất an toàn trường học.

h) Tăng cường công tác kiểm tra việc triển khai Kế hoạch này tại các cơ sở giáo dục.

2. Trung tâm Y tế:

a) Thường xuyên cập nhật, bổ sung các hướng dẫn, quy định về công tác phòng, chống dịch trong các cơ sở giáo dục cho từng cấp độ dịch.

b) Phối hợp với ngành Giáo dục xây dựng phương án, kịch bản xử lý các tình huống xuất hiện dịch khi dạy học trực tiếp. Chỉ đạo các trạm y tế phối hợp kịp thời với các cơ sở giáo dục xử lý khi có F0, F1 trong trường học.

c) Tiếp tục hỗ trợ các cơ sở giáo dục trong công tác vệ sinh, an toàn thực phẩm và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh. Tổ chức tiêm chủng an toàn cho trẻ em, học sinh trong độ tuổi phù hợp với từng loại vắc-xin.

d) Hướng dẫn công tác tuyên truyền giáo dục sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh cho cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh.

3. Phòng Văn hóa – Thông tin:

a) Phối hợp triển khai các hoạt động truyền thông dưới nhiều hình thức nhằm cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác thông tin về vắc-xin phòng COVID-19 và kế hoạch tiêm vắc-xin cho trẻ em;

b) Chỉ đạo các cơ quan viễn thông thường xuyên rà soát, đánh giá thực trạng đảm bảo hạ tầng công nghệ thông tin, đáp ứng triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học trực tuyến;

c) Hỗ trợ ngành Giáo dục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tổ chức linh hoạt, hiệu quả các hình thức dạy học.

 

4. Phòng Nội vụ:

Phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo tham mưu Ủy ban nhân dân huyện tổ chức rà soát, sắp xếp, bổ sung nguồn lực cho công tác y tế trường học, củng cố và kiện toàn mạng lưới y tế trường học bảo đảm mỗi cơ sở giáo dục có đầu mối y tế trường học để triển khai thực hiện nhiệm vụ thường trực phòng, chống dịch tại các cơ sở giáo dục.

5. Phòng Tài chính – Kế hoạch:

Phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo tăng cường kiểm tra, giám sát và tiếp tục tham mưu UBND huyện triển khai thực hiện các chính sách đối với người lao động trong các cơ sở giáo dục bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo quy định; quan tâm, có chính sách hỗ trợ kịp thời các học sinh, giáo viên chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 để không học sinh, giáo viên nào bị bỏ lại phía sau, bảo đảm chất lượng giáo dục của địa phương.

6. Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn:

Thường xuyên cập nhật, quán triệt đầy đủ, kịp thời thông tin, quy định, chỉ đạo của UBND huyện, hướng dẫn của ngành Giáo dục, ngành Y tế về việc triển khai các hoạt động giáo dục, đào tạo và bảo đảm công tác phòng, chống dịch trong các cơ sở giáo dục tại địa phương.

Trên đây là Kế hoạch tổng thể về thích ứng với tình hình dịch COVID-19, bảo đảm tổ chức dạy và học an toàn, chất lượng trên địa bàn huyện Ninh Sơn. Yêu cầu các cơ quan, đơn vị, các địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có phát sinh khó khăn, vướng mắc,
yêu cầu các cơ quan, đơn vị, các địa phương kịp thời phản ánh về Ủy ban nhân dân huyện (thông qua Phòng Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp, tham mưu) để xem xét, chỉ đạo thực hiện./.         

Chi tiết theo file đính kèm Kế hoạch số 174


KH-TONG-THE-COVID-19.pdf

Tin liên quan

Tin mới nhất

công bố kết quả đánh giá cấp độ dịch Covid-19 quy mô cấp xã, thị trấn trên địa bàn huyện Ninh Sơn...(09/10/2022 11:35 SA)

công bố kết quả đánh giá cấp độ dịch Covid-19 quy mô cấp xã, thị trấn trên địa bàn huyện Ninh Sơn...(06/10/2022 7:03 CH)

công bố kết quả đánh giá cấp độ dịch Covid-19 quy mô cấp thôn, khu phố, xã, thị trấn trên địa bàn...(05/10/2022 2:39 CH)

công bố kết quả đánh giá cấp độ dịch Covid-19 quy mô cấp thôn, khu phố, xã, thị trấn trên địa bàn...(05/10/2022 2:37 CH)

công bố kết quả đánh giá cấp độ dịch Covid-19 quy mô cấp thôn, khu phố, xã, thị trấn trên địa bàn...(05/10/2022 2:33 CH)

72 người đang online
°