Chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ được coi là hạt nhân nòng cốt phát triển kinh tế xã hội mà nhiều quốc gia thúc đẩy. Vì vậy, thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số là sự trang bị cần thiết để doanh nghiệp phát triển trong kỷ nguyên số, kinh tế số và đây cũng là nội dung của chuyên đề tuần này.

Việt Nam hiện có khoảng 800.000 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 97%, sử dụng 51% lao động và đóng góp hơn 40% GDP. Với đóng góp như vậy, vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày càng trở nên quan trọng trong nền kinh tế. Thậm chí tại nhiều quốc gia, doanh nghiệp nhỏ và vừa được coi là động lực mới để phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, đặc thù của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, với quy mô hạn chế, trở nên yếu thế trước những biến động của môi trường kinh doanh, môi trường xã hội. Điển hình trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, hàng loạt các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã không thể trụ vững, đặt ra vấn đề về phát triển bền vững doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng. Ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số là chìa khóa để hướng tới mục tiêu này.

Tại Việt Nam, trong nhiều năm qua, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đã có được sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ. Mới đây nhất, ngày 26 tháng 8 năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Song song với đó, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã triển khai một số Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số, nhằm vượt qua đại dịch và hướng tới mô hình kinh doanh bền vững hơn.

Báo cáo chuyên đề tuần này chia sẻ những chương trình triển khai trong nước của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như kinh nghiệm triển khai của một số quốc gia trên thế giới trong việc thúc đẩy doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Chi tiết theo Báo cáo Tuần 37 UBQG-CĐS

BBT

Chuyển đổi số quốc gia