Hội thảo định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp huyện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Ngày 16/8, UBND huyện đã tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến Đề án “Định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp huyện Ninh Sơn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đến dự có đồng chí Trịnh Minh Hoàng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các Sở, ngành và các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà đầu tư về lĩnh vực nông nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Về phía huyện có các đồng chí: Nguyễn Đô – Bí thư Huyện ủy; Lê Văn Chín – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy; Kiều Tấn Thịnh – Chủ tịch UBND huyện; các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy; lãnh đạo các phòng ban, cơ quan đơn vị, địa phương cùng các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn huyện.

Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Kiều Tấn Thịnh – Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Ninh Sơn là huyện có điều kiện thuận lợi để phát triển nền nông nghiệp hàng hoá theo hướng bền vững, đặc biệt hình thành các vùng sản xuất cây trồng tập trung có quy mô lớn cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến (mì, mía, bắp, cây dược liệu…), cũng như thực phẩm (rau, đậu, cây ăn trái…), các khu khuyến khích chăn nuôi tập trung mang lại giá trị và lợi nhuận cao. Giai đoạn 2021 – 2024, trên địa bàn huyện đã triển khai nhân rộng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp, gắn với chuyển dịch cơ cấu cây trồng đã mang lại hiệu quả tích cực như: Mô hình trồng nho công nghệ cao, chanh không hạt, dưa lưới, hoa lan, chăn nuôi dê, bò, cừu; đồng thời, hình thành vùng cây ăn trái đặc sản có giá trị kinh tế cao không chỉ của tỉnh Ninh Thuận mà còn của cả khu vực Duyên hải Miền Trung.

Trên cơ sở đánh giá thực trạng sản xuất nông nghiệp, tiềm năng đất đai, hội thảo đã tham vấn, ghi nhận nhiều ý kiến, đề xuất của các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp và các đại biểu về quy hoạch vùng chuyên canh cây trồng, các vùng chăn nuôi tập trung cũng như xây dựng các giải pháp tổ chức thực hiện, như: Đẩy nhanh việc hình thành các vùng sản xuất nông sản hàng hoá tập trung theo hướng chuyên canh, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ; chú ý đầu tư nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ mới vào sản xuất. Hỗ trợ chính sách vốn, thuế, bảo hộ cho các sản phẩm,  các tổ chức trung gian thu mua sản phẩm của người dân.

Đầu tư mới, duy tu, sửa chữa các công trình thuỷ lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, việc đầu tư gắn với phát triển mạng lưới giao thông nội đồng, giao thông nông thôn nhằm phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển nông sản, tiêu thụ hàng hoá của nhân dân ngày càng tốt hơn. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn vào khâu chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm hữu cơ để nâng cao giá trị gia tăng bằng cách đa dạng hoá sản phẩm hữu cơ như chế biến các món ăn, các loại thực phẩm, đồ uống, thuốc dược liệu. Tăng cường đào tạo, tập huấn với doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh sản phẩm hữu cơ và nâng cao năng lực cho các cán bộ, công chức các cấp làm công tác quản lý, kiểm tra giám sát các tổ chức chứng nhận và sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Trịnh Minh Hoàng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, với những đặc điểm về địa hình, khí hậu, thời tiết của địa phương, huyện Ninh Sơn có rất nhiều tiềm năng, lợi thế đặc trưng để phát triển nông nghiệp. Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm huyện Ninh Sơn và chỉ đạo quyết liệt các Sở, ngành cấp tỉnh đẩy mạnh triển khai các chính sách hỗ trợ nông dân chuyển giao ứng dụng khoa học vào sản xuất, cơ giới hoá theo hướng hiện đại, triển khai chương trình OCOP mỗi xã một sản phẩm; sản xuất nông nghiệp tốt theo hướng VietGap, GlobalGap, sản xuất sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, công nghệ bảo quản sau thu hoạch; hỗ trợ tem, bao bì, nhãn mác, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu trái cây; truy xuất nguồn gốc, cấp mã vùng trồng để nâng cao chất lượng không chỉ tiêu thụ trong nước mà hướng tới xuất khẩu ra thế giới. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, thuỷ lợi đảm bảo thuận lợi cho việc tưới tiêu và vận chuyển nông sản được thông suốt, góp phần giảm tổn thất sau thu hoạch; công nghiệp chế biến, công nghệ bảo quản sau thu hoạch; hỗ trợ về vốn, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư thông qua xã hội hóa, hợp tác công - tư; tiếp tục hoàn thiện các chính sách tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; phát triển và mở rộng thị trường, đẩy mạnh tham gia sâu vào chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế đảm bảo tính bền vững, góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp huyện Ninh Sơn ngày càng phát triển. Trên cơ sở ý kiến tham vấn của các đại biểu; đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao huyện Ninh Sơn cùng với đơn vị tư vấn rà soát, tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu và nghiên cứu các quy định có liên quan hoàn thiện Đề án:“Định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp huyện Ninh Sơn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định, làm cơ sở pháp lý triển khai phát triển nông nghiệp thời gian đến.

LT