Ủy ban nhân dân huyện Ninh Sơn ban hành Thông báo thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn huyện
Dịch tả lợn Châu Phi (ASF) là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở lợn do virus gây ra, với tốc độ lây lan nhanh, tỷ lệ tử vong rất cao.
Ngày 27/9/2024, Ủy ban nhân dân huyện Ninh Sơn ban hành Thông báo số 1400/TB-UBND về thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn huyện.
Dịch tả lợn Châu Phi (ASF) là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở lợn do virus gây ra, với tốc độ lây lan nhanh, tỷ lệ tử vong rất cao. Ngày 25/9/2024, Ủy ban nhân dân huyện Ninh Sơn đã công bố dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi làm chết và tiêu hủy 65 con lợn trên địa bàn xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn. Để đề phòng dịch bệnh lây lan diện rộng, người chăn nuôi cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt để bảo vệ đàn lợn của mình và cho ngành chăn nuôi lợn tỉnh nhà. Dưới đây là các hướng dẫn cơ bản giúp phòng chống dịch tả lợn Châu Phi:
1. Người chăn nuôi cần thực hiện nghiêm nguyên tắc chung “5 không”: (1) Không giấu dịch; (2) Không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; (3) Không giết mổ tiêu thụ thịt lợn bệnh, thịt lợn chết; (4) Không vứt lợn chết ra môi trường; (5) Không sử dụng thức ăn dư thừa cho lợn ăn mà chưa qua xử lý nhiệt.
2. Quản lý chăn nuôi:
- Hạn chế ra vào khu vực nuôi lợn: Chỉ những người có nhiệm vụ liên quan trực tiếp mới được vào khu vực chăn nuôi.
- Thực hiện vệ sinh, khử trùng thường xuyên: Phát quan, vệ sinh chuồng trại. Sử dụng các chất khử trùng để làm sạch khu vực chăn nuôi, các dụng cụ, thiết bị liên quan, và thậm chí cả xe cộ di chuyển ra vào khu vực chăn nuôi.
- Kiểm soát nguồn thức ăn và nước uống: Đảm bảo nguồn thức ăn và nước uống sạch, không bị ô nhiễm. Không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt.
3. Theo dõi sức khỏe đàn lợn:
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Quan sát và theo dõi kỹ lưỡng các dấu hiệu bất thường ở đàn lợn, như sốt cao, mệt mỏi, bỏ ăn, da có vết bầm tím hoặc xuất huyết.
- Báo cáo dịch bệnh kịp thời: Nếu phát hiện có dấu hiệu của dịch bệnh, cần ngay lập tức báo cáo cho cơ quan thú y hoặc chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý.
4. Kiểm soát việc di chuyển lợn trong vùng dịch:
- Không vận chuyển lợn bệnh: không bán hoặc di chuyển lợn khi chưa có sự hướng dẫn của cơ quan Thú y.
- Các hộ chăn nuôi trong vùng dịch ký cam kết không nuôi mới và tái đàn trong thời gian có dịch, nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định về phòng chống dịch bệnh và không được hỗ trợ khi buộc phải tiêu hủy.
Cung cấp thông tin qua đường dây nóng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số điện thoại liên lạc: 077.555.0085 (Đồng chí Tâm).
Chi tiết đính kèm TB1400
BBT