Nhịp sống mới ở miền quê cuối dãy Trường Sơn

Hơn hai thập kỷ qua, việc thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đặc biệt là sau 10 năm triển khai chỉ thị số 40 - CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội không chỉ góp phần thay đổi diện mạo tỉnh Ninh Thuận, mà còn thay đổi cả cuộc đời của biết bao hộ nghèo và gia đình đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn ở nơi gần cực nam vùng Duyên hải Nam Trung Bộ.

Công cụ đánh thức khát vọng thoát nghèo

Đến Ninh Thuận những ngày này, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay mạnh mẽ về vùng đất cuối dãy Trường Sơn vốn nổi danh khô cằn sỏi đá và khí hậu khắc nghiệt đã thoát khỏi “vùng trũng”, “rốn nghèo” của cả nước, khi tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,21% giai đoạn 2021-2023 bình quân mỗi năm giảm 1,5% vượt kế hoạch đề ra.

Thành quả này minh chứng sống động cho sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đúng đắn của Đảng bộ, chính quyền địa phương đã huy động sự vào cuộc cả hệ thống chính trị và tập trung đầu tư mọi nguồn lực, trong đó nguồn vốn tín dụng chính sách đã đóng vai trò làm “trụ cột”, góp phần quan trọng trong chương trình giảm nghèo bền vững, là đòn bẩy giúp người dân phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống.Đây còn được xem là một trong những giải pháp có hiệu quả rõ rệt được các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn Ninh Thuận luôn coi trọng việc triển khai các chương trình cho vay chính sách đối với hộ nghèo với đồng bào DTTS khó khăn, giúp họ có nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất tạo sinh kế cải thiện cuộc sống.

Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Ninh Thuận, ông Lê Minh Lộc cho biết, điểm thuận lợi nhất trong giai đoạn này là các cấp ủy, chính quyền địa phương luôn dành sự quan tâm cho công tác giảm nghèo cũng như thống nhất quan điểm về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững.

Ngay từ những năm tháng đầu thực hiện Nghị định 78 và Chỉ thị 40 đến nay, các cấp ủy đảng trên địa bàn luôn quan tâm, chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo đến mọi hoạt động của tín dụng chính sách. Cùng với đó, chính quyền từ tỉnh đến huyện, xã đã quan tâm bổ sung nguồn vốn ngân sách chuyển sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách năm sau cao hơn năm trước, đồng thời chú trọng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi về nơi làm việc cho các phòng giao dịch, điểm giao dịch xã của NHCSXH. Nhờ vậy mà các nguồn lực tài chính ở Ninh Thuận có nguồn gốc Nhà nước được quy về một đầu mối là NHCSXH quản lý, sử dụng theo quy định.

Cũng từ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban ngành, song hành với việc tiếp nhận nguồn lực tài chính ở nhiều nơi trong quá trình triển khai Chỉ thị 40, NHCSXH tỉnh Ninh Thuận đã kiên trì, năng động thực hiện các quy trình, thủ tục, phương thức cấp tín dụng chính sách, đáp ứng đầy đủ, nhanh chóng yêu cầu sản xuất kinh doanh của các đối tượng được thụ hưởng chính sách của Đảng, Nhà nước.

Sự no đủ tươi sáng miền đất cuối dãy Trường Sơn

Vậy là cuộc hành trình của tín dụng chính sách trên vùng đất khô cằn, nắng gió Ninh Thuận đã trải qua 22 năm ròng rã, liên tục. Trong hành trình gian nan ấy, dòng vốn từ NHCSXH đã góp phần làm đòn bẩy giúp người dân ở thành thị, nông thôn, trên miền núi, vùng biển rộng vươn lên thoát nghèo. Không có hộ nghèo và gia đình đồng bào dân tộc khó khăn nào bị NHCSXH quên lãng, không tiếp cận được chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Nhà nước.

Theo chân cán bộ tín dụng chính sách của tỉnh Ninh Thuận, chúng tôi lên huyện miền núi Bác Ái được nghe những câu chuyện thoát nghèo từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Câu chuyện của bà Chamaléa Thị Xoanh ở thôn Rã Trên, xã Phước Trung đã đổi đời nhờ vào những khoản vay tín dụng ưu đãi từ NHCSXH huyện Bác Ái.

“Trước đây gia đình tôi nghèo khó, thiếu vốn liếng nhiều, chỉ có một ít đất trồng cây do cha mẹ để lại nên cuộc sống rất gieo neo, khổ cực. Nhưng từ khi được vay vốn từ NHCSXH, tôi bắt đầu nuôi 2 con bò sinh sản. Qua tháng ngày chăm chú vào chăn nuôi đến nay gia đình tôi đã có 6 con bò, mở rộng được hàng chục sào rau quả thu nhập 5-7 chục triệu đồng/năm, cuộc sống khấm khá rồi”, bà Xoanh tâm sự trong niềm vui thoát cảnh nghèo túng.

Tại huyện Ninh Sơn, gia đình chị Pi Năng Thị Xuyến (thôn Do, xã Ma Nới) là một chứng minh cụ thể về phép màu thoát nghèo lạ kỳ của đồng bào dân tộc RagLai. Cách đây không lâu, gia đình chị chỉ có một mảnh đất nhỏ, một con bò gầy gò và một cuộc sống mòn mỏi với những bữa cơm đạm bạc…Tất cả đã thay đổi, khi được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH, gia đình chị Xuyến đã bắt đầu hành trình thay đổi - hành trình thoát nghèo.

Tiếp chúng tôi, chị Xuyến vui mừng khi nhắc đến những ngày đầu. “Chỉ với 30 triệu đồng vay từ NHCSXH, tôi mua một con bò giống, rồi nâng niu chăm sóc nó như chăm sóc một thành viên trong gia đình. Sau vài năm, đàn bò bắt đầu sinh sôi nẩy nở, cuộc sống dần khấm khá hơn”. Ngày ấy, không chỉ là những con bò mà còn là những hy vọng, những ước mơ đang dần trở thành hiện thực. Khi thấy đàn bò của mình ngày một lớn khỏe, chị lại mạnh dạn vay thêm vốn để mở rộng chăn nuôi. Chị còn cải tạo đất trồng thêm hoa màu, nhờ đó vươn lên thoát nghèo bền vững….Từ một gia đình nghèo khó, giờ đây chị Pi Năng Thị Xuyến đã có một ngôi nhà khang trang, con cái được ăn học đầy đủ và quan trọng hơn hết, chị có thể nhìn thấy tương lai tươi sáng đang vẫy gọi từ những ước mơ mà chị đã dày công vun đắp.

Câu chuyện của bà Xoanh hay chị Xuyến chỉ là những ví dụ nhỏ trong hàng nghìn gương tiêu biểu thoát nghèo nhờ dòng vốn tín dụng ưu đãi giữa miền quê đất cát khô cằn mà NHCSXH đã trở thành một người bạn đồng hành, trợ giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo và cả hộ mới thoát nghèo nơi đây kể từ thời điểm thành lập (2002) đến nay.

Có thể khẳng định, hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng chính sách đã khơi dậy khát vọng thoát nghèo, dựng xây cuộc sống no đủ, tươi sáng của đồng bào các dân tộc ở nơi cuối dãy Trường Sơn tỉnh Ninh Thuận. Cũng từ nguồn vốn chính sách vùng miền núi dân tộc đã xích lại gần với miền xuôi và thành thị.

Công cuộc giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững của tỉnh Ninh Thuận đã đạt những kết quả ấn tượng. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng, đáng ghi nhận trong thực hiện công cuộc này suốt 22 năm liên tục. Giám đốc NHCSXH tỉnh Ninh Thuận, ông Lê Minh Lộc kỳ vọng sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm mạnh mẽ hơn nữa của cấp uỷ, chính quyền địa phương các cấp, nhất là việc cân đối bổ sung nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội trong thời gian tới sẽ đóng góp tích cực hơn nữa vào mục tiêu giảm nghèo bền vững và thực hiện tốt Chỉ thị 39-CT/TW của Ban Bí thư về nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới, để mỗi dịp năm mới về, nhìn lại tỷ lệ hộ nghèo của địa phương có thể tự hào và ngẩng cao đầu là giảm bền vững và cuộc sống của người nghèo ngày càng thêm no đủ, tươi sáng.

Theo Báo điện tử Pháp luật VN