Quá trình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào DTTS cũng gặp không ít khó khăn do điều kiện tự nhiên khó khăn, nguồn lực đầu tư còn hạn chế, dẫn đến tốc độ phát triển kinh tế còn chậm so với mặt bằng chung của tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS theo chuẩn nghèo đa chiều còn cao.
Nhưng vượt lên trên tất cả khó khăn thách thức, đời sống đồng bào DTTS ở Ninh Thuận đang mỗi ngày một đổi thay, nhờ chính sách chăm lo của Đảng, Nhà nước; nỗ lực của các ngành, các cấp trong tỉnh và sự vươn lên của người dân. Trong đó, có vai trò quan trọng của các chương trình tín dụng chính sách.
Theo đánh giá của lãnh đạo Tỉnh ủy Ninh Thuận, trong nhiều năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách không chỉ đóng vai trò “trụ cột” đối với công cuộc giảm nghèo bền vững của địa phương, mà còn thực hiện lời cam kết mạnh mẽ “không để ai bị bỏ lai phía sau”.
Vùng đất nghèo khó sỏi đá Ninh Thuận ngày nay được nguồn vốn tín dụng chính sách thấm sâu, làm thay đổi cuộc sống của người dân. Những cánh đồng hoang hóa được phủ xanh bởi mùa màng bội thu, giấc mơ no đủ tưởng chừng xa vời đã trở thành hiện thực, thể hiện qua kết quả rà soát hộ nghèo năm 2024.
Tại thời điểm rà soát, tỉnh Ninh Thuận có 191.086 hộ hành chính 741.611 khẩu, tăng 2,12% so với cùng kỳ năm trước; Tổng hộ nghèo đa chiều là 12,411 hộ, chiếm tỷ lệ 6,49%, giảm 2,33% so với năm 2023. Trong đó: Hộ nghèo 4.971 hộ, chiếm tỷ lệ 2,6%, giảm 1,61% so với năm 2023; Hộ cận nghèo: 7.440 hộ, chiếm tỷ lệ hộ 3.89%, giảm 0,71% so với năm 2023. Hiệu quả đồng vốn tín dụng chính sách đạt rõ nét bởi được triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng, diện mạo đô thị và nông thôn có nhiều khởi sắc. Đời sống nhân dân, đặc biệt đồng bào DTTS, không ngừng được cải thiện.
Tăng nguồn thu, nâng cao hoạt động của tín dụng chính sách
Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Ninh Thuận, ông Lê Minh Lộc, chia sẻ: Trong cuộc hành trình của tín dụng chính sách vì an sinh xã hội, các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước và của địa phương, đặc biệt Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”, như ngọn đèn hải đăng, dẫn lối cho con tàu tín dụng chính sách vững vàng vượt qua sóng gió, lan tỏa sức sống mới đến từng thôn làng nơi đây.
Cụ thể, ngay từ những năm tháng đầu thực hiện Chỉ thị 40 đến nay, các cấp ủy đảng trên địa bàn luôn quan tâm, chú trọng đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo mọi hoạt động của tín dụng chính sách. Cùng với đó, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã ưu tiên bổ sung nguồn vốn ngân sách chuyển sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách, đồng thời chú trọng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi về nơi làm việc cho các phòng giao dịch, điểm giao dịch xã của NHCSXH. Nhờ vậy mà các nguồn lực tài chính ở Ninh Thuận có nguồn gốc Nhà nước được quy về một đầu mối là NHCSXH quản lý, sử dụng theo quy định.
Đơn cử hàng năm UBND tỉnh và 7 huyện, thành phố trực thuộc đều bổ sung kịp thời, ủy thác sang NHCSXH vốn ngân sách để cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách đặc thù vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh. Tính đến 31/3/2025 nguồn vốn ngân sách địa phương là 182,1 tỷ đồng, tăng 31,7 tỷ đồng so với năm 2024, góp lực nâng tổng nguồn vốn chính sách của tỉnh Ninh Thuận lên 3.922 tỷ đồng tăng 94,9 tỷ đồng so với năm 2024. Đơn cử tại Thuận Nam, huyện nằm ở cửa ngõ phía Nam của Ninh Thuận, dù còn nhiều khó khăn của một huyện mới được thành lập, song các cấp ủy và chính quyền huyện Thuận Nam đã xác định “Tín dụng chính sách xã hội là một trụ cột quan trọng trong Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương chính sách mà Đảng, Nhà nước và thực tế đã làm động lực thúc đẩy các thôn làng, nhân dân phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo”.
Từ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban ngành, song hành với việc tiếp nhận nguồn lực tài chính ở nhiều nơi trong quá trình triển khai Chỉ thị 40, NHCSXH tỉnh Ninh Thuận đã kiên trì, năng động thực hiện các quy trình, thủ tục, phương thức cấp tín dụng chính sách, đáp ứng đầy đủ, nhanh chóng yêu cầu sản xuất kinh doanh của các đối tượng được thụ hưởng chính sách của Đảng, Nhà nước. Đội ngũ cán bộ tín dụng luôn lặn lội, gắn bó với cơ sở, với hộ nghèo để bàn bạc, hướng dẫn bà con vay được vốn dễ dàng, sử dụng vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả.
Mang cuộc sống no đủ, tươi đẹp cho người nghèo
Hành trình của tín dụng chính sách trên vùng đất đầy nắng gió Ninh Thuận đã trải qua 22 năm ròng rã, liên tục. Trong hành trình gian nan ấy, dòng vốn từ NHCSXH đa góp phần làm đòn bẩy giúp người dân ở thành thị, nông thôn, trên miền núi, ngoài biển xa vươn lên thoát nghèo. Không có hộ nghèo và gia đình đồng bào dân tộc khó khăn nào bị NHCSXH quên lãng, không tiếp cận được chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Nhà nước.
Bác Ái là một trong những huyện nghèo của tỉnh Ninh Thuận. Toàn huyện có 9 xã thuộc khu vực III, với 10 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào Raglai chiếm trên 87%. Để đẩy mạnh công tác giảm nghèo, NHCSXH ở huyện Bác Ái đã chú trọng đầu tư vốn, tạo việc làm, sinh kế cho lao động nông thôn và đồng bào DTTS. Đồng thời chú trọng phát triển các mô hình hợp tác xã.
Còn tại huyện Ninh Phước, nhờ sử dụng đồng vốn chính sách, mô hình liên kết chuỗi măng tây xanh với vai trò chủ lực của hợp tác xã An Hải và Phước Hải, đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện, xã An Hải là địa phương có diện tích trồng cây măng tây nhiều nhất ở tỉnh Ninh Thuận, với trên 120 ha măng tây.
Còn tại huyện Ninh Sơn, có gia đình chị Pi Năng Xuyến, ở thôn Do, xã Ma Nới là một chứng minh cụ thể về phép màu thoát nghèo lạ kỳ của đồng bào DTTS. Cách đâ không lâu, gia đình chị chỉ có một mảnh đất nhỏ, một con bò gầy gò và một cuộc sống mòn mỏi với những bữa cơm đạm bạc….Tất cả đã thay đổi khi được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH, gia đình chị Xuyến đã bắt đầu hành trình thoát nghèo. “Với 30 triệu đồng vay từ NHCSXH, tôi mua con bò giống, rồi nâng niu chăm sóc nó như chăm sóc một thành viên trong gia đình. Sau vài năm, đàn bò bắt đầu sinh sôi nẩy nở, cuộc sống khấm khá, no ấm thêm, nhà ở cũng được sửa sang vững chắc, thoáng đãng hơn”, chị Pi Năng Xuyến xúc động nói.
Hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng chính sách đã khơi dậy khát vọng thoát nghèo, dựng xây cuộc sống no đủ, tươi sáng của đồng bào các dân tộc ở nơi cuối dãy Trường Sơn - tỉnh Ninh Thuận. Cũng từ nguồn vốn chính sách, vùng miền núi dân tộc đã xích lại gần với miền xuôi và thành thị.
Phát huy những kết quả đạt được, trong hành trình tiếp theo, NHCSXH tỉnh Ninh Thuận sẽ tiếp tục tích cực, chủ động tham mưu, tổ chức có hiệu quả Chỉ thị 39-CT/TW ngày 30/10/2024 của Ban Bí thư về nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới.
Cụ thể, đẩy mạnh phong trào thi đua giai đoạn 2025-2030; thực hiện tốt chỉ tiêu các chương trình tín dụng chính sách xã hội được trung ương giao và của địa phương ủy thác; củng cố hoàn thiện chuyên nghiệp bộ máy phù hợp với quá trình sắp xếp đơn vị hành chính hiện nay, để phục vụ tốt nhất hiệu quả rõ rệt đối tượng khách hàng là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; phấn đấu giảm nợ xấu, nợ quá hạn, nợ tồn đọng, tập trung huy động nguồn lực tài chính, nhanh chóng chuyển tải nguồn vốn đến đúng các địa chỉ, đối tượng được thụ hưởng, góp lực chung lòng tạo lực đẩy vùng đất nắng gió cuối dãy Trường Sơn vươn mình cùng đất nước.