Hộ gia đình sản xuất, kinh doanh ở vùng khó khăn được vay tối đa 100 triệu đồng
Vừa qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã ban hành văn bản số 5838/NHCS - TDSV về hướng dẫn nghiệp vụ cho vay đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn theo Quyết định số 17/2023/QĐ-TTg có sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg ngày 5/3/2007 của Chính phủ.
Page Content
Theo đó, mức vốn cho vay tối đa 100 triệu đồng/ người vay vốn. Lãi suất cho vay bằng 9%/ năm. Đối tượng được vay vốn là các hộ gia đình theo quy định của pháp luật (bao gồm cả hộ gia đình làm kinh tế trang trại) thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong những lĩnh vực mà pháp luật không cấm tại vùng khó khăn theo quy định và đáp ứng đủ điều kiện vay vốn theo quy định. Điểu kiện được vay vốn là người vay vốn phải có dự án hoặc phương án sản xuất, kinh doanh được Ủy ban nhân dân xã nơi thực hiện dự án hoặc phương án sản xuất, kinh doanh xác nhận; phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; cư trú hợp pháp tại nơi thực hiện dự án hoặc phương án sản xuất, kinh doanh; không thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, người vay vốn không có dư nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội đối với các chương trình như: Chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo quy định của pháp luật về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm; Chương trình cho vay đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý theo quy định của pháp luật về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025 và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có); Các chương trình tín dụng cho vay khác đối với hộ gia đình để thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật (nếu có).
Để vay vốn sản xuất, kinh doanh, theo hướng dẫn này người vay vốn lập 1 liên giấy đề nghị vay vốn kiêm phương án sử dụng vốn vay (mẫu số 01/TD) và giấy ủy quyền (mẫu số 01/GUQ nếu có) gửi Tổ TK&VV nơi người vay vốn đang cư trú hợp pháp. Qua đó, tại Tổ TK&VV sẽ tổ chức họp bình xét cho vay dưới sự giám sát, chứng kiến của Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố và người đại diện tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã). Trường hợp người vay vốn chưa là tổ viên Tổ TK&VV thì Tổ TK&VV tổ chức họp kết nạp bổ sung tổ viên. Sau đó, lập danh sách tổ viên đề nghị vay vốn NHCSXH (mẫu số 03/TD) kèm bộ hồ sơ vay vốn của người vay và biên bản họp Tổ TK&VV (mẫu số 10C/TD) trình UBND cấp xã. Tại UBND cấp xã sẽ căn cứ bộ hồ sơ vay vốn của người vay, danh sách tổ viên đề nghị vay vốn NHCSXH do Tổ TK&VV gửi tới, UBND cấp xã thực hiện việc xác nhận trên Giấy đề nghị vay vốn (mẫu 01/TD) và mẫu 03/TD sau đó gửi Tổ TK&VV để gửi NHCSXH nơi cho vay. Tại NHCSXH nơi cho vay, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ bộ hồ sơ vay vốn, cán bộ tín dụng được phân công thực hiện kiểm tra, đối chiếu tính hợp pháp, hợp lệ của bộ hồ sơ vay vốn, trình Trưởng phòng Kế hoạch - Nghiệp vụ tín dụng/Tổ trưởng Kế hoạch - Nghiệp vụ kiểm soát để trình Giám đốc NHCSXH nơi cho vay xem xét, phê duyệt. NHCSXH nơi cho vay gửi thông báo kết quả phê duyệt cho vay theo mẫu số 04/TD cho UBND cấp xã để thông báo cho người vay vốn đến trụ sở NHCSXH nơi cho vay hoặc Điểm giao dịch xã làm thủ tục nhận tiền vay theo quy định.
NHCSXH