Những năm qua, tệ nạn ma tuý ở Việt Nam vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp và có xu hướng gia tăng cùng với việc xuất hiện nhiều loại ma tuý mới, ma tuý đã trở thành một hiểm hoạ lớn đối với toàn xã hội, đe doạ trực tiếp tới cuộc sống của mỗi con người, cộng đồng xã hội.
Tệ nạn ma túy đang là hiểm hoạ của các quốc gia, dân tộc trên toàn thế giới; là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm phát sinh tội phạm, tệ nạn xã hội và lây nhiễm HIV/AIDS. Hậu quả, tác hại do tệ nạn ma tuý gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội và trật tự an toàn xã hội của đất nước. Phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh với tệ nạn ma túy là trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và toàn xã hội.
Trong những năm qua, tệ nạn ma tuý ở Việt Nam vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp và có xu hướng gia tăng cùng với việc xuất hiện nhiều loại ma tuý mới như: Heroin, cần sa, ma tuý đá, thuốc lắc, bóng cười, viên ma túy tổng hợp… được đối tượng buôn bán ngụy trang một cách tinh vi; lôi kéo người sử dụng dẫn đến nghiện ngập. Đáng báo động, đối tượng sử dụng ma túy tập trung ở độ tuổi thanh niên, thậm chí đã bắt đầu trẻ hóa đến tuổi vị thành niên và học sinh. Những kẻ buôn bán ma túy thường dụ dỗ các đối tượng học sinh, sinh viên bằng cách cho hút không mất tiền, khi đã nghiện thì các em sẽ trở thành công cụ để chúng kiếm tiền, đưa vào con đường như: trộm cắp, cướp giật, mua bán ma túy…
Theo Tổ chức Liên Hợp Quốc, ma túy là “các chất có nguồn gốc tự nhiên hay tổng hợp, khi xâm nhập vào cơ thể sẽ làm thay đổi trạng thái tâm sinh lý của người sử dụng”. Ma túy được đưa vào cơ thể qua các đường như: hút, hít, nhai, nuốt, tiêm chích,… gây ra trạng thái nhiễm độc, lú lẫn tâm trí, phản ứng loạn thần, tổn thương lên hệ thống thần kinh trung ương gây nên những trạng thái tâm lý không ổn định, làm mất đi một số chức năng cơ bản vốn có của cơ thể, tạo thành những ảo giác, cảm giác mới lạ hoặc làm giảm cơn đau. Nếu sử dụng lâu sẽ gây ra sự lệ thuộc hay còn gọi là “nghiện”, khi ngừng hay không sử dụng tiếp, người nghiện sẽ bị các rối loạn hay còn gọi là “hội chứng cai thuốc” gây cơn vật vã dữ dội như: tiêu chảy, nôn, đau mỏi, nhức cơ xương cảm giác khó chịu, tim đập hỗn loạn, không ăn, mất ngủ, sụt cân nhanh chóng… làm cho người nghiện đau đớn, khổ sở không chịu được buộc phải tiếp tục sử dụng ma túy. Có thể nói, ma túy làm hủy hoại sức khỏe, làm mất khả năng lao động, học tập, làm cho thần kinh người nghiện bị tổn hại.
Đối với bản thân người sử dụng: ma tuý gây tổn hại về sức khỏe như hệ tiêu hóa, hệ hô hấp, hệ tuần hoàn, các bệnh về da, làm suy giảm chức năng thải độc, dẫn đến tình trạng suy nhược toàn thân, suy giảm sức lao động. Nghiện ma tuý dẫn đến tình trạng nhiễm độc ma tuý mãn tính, người gầy gò, xanh xao, mắt trắng, môi thâm, nước da tái xám, dáng đi xiêu vẹo, cơ thể gầy đét do suy kiệt hoặc phù nề do thiếu dinh dưỡng, rối loạn nhịp sinh học, thức đêm ngủ ngày, sức khoẻ giảm sút rõ rệt. Người nghiện ma tuý bị suy giảm sức lao động, giảm hoặc mất khả năng lao động và khả năng tập trung trí óc. Trường hợp sử dụng ma tuý quá liều có thể bị chết đột ngột.
Đối với xã hội: hàng năm, nhà nước phải chi phí hàng ngàn tỷ đồng cho việc xóa bỏ cây thuốc phiện, cho công tác cai nghiện ma tuý, công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý. Ma túy cũng làm suy giảm lực lượng lao động của gia đình và xã hội cả về số lượng và chất lượng; làm cho thu nhập quốc dân cũng giảm, chi phí cho dự phòng và chăm sóc y tế lại tăng; ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư nước ngoài, khách du dịch; ma tuý là nguyên nhân làm nảy sinh, gia tăng tình hình tội phạm trong nước gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự (trộm, cướp, buôn bán ma atúy, buôn bán người, khủng bố…); là nguyên nhân, điều kiện nảy sinh, phát triển các tệ nạn xã hội khác (mại dâm, cờ bạc…).
Nhằm đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh với tệ nạn ma túy, mọi người dân bằng các hành động thiết thực, hãy thực hiện một số biện pháp sau:
1. Giáo dục thành viên trong gia đình, thân nhân về tác hại của ma tuý và thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống ma tuý;
2. Quản lý chặt chẽ, ngăn chặn thành viên trong gia đình trong công tác phòng, chống tệ nạn ma tuý;
3. Khi phát hiện các hành vi mua bán, sử dụng, trồng cây có chứa chất ma tuý cần báo ngay cho cơ quan công an hoặc cơ quan có thẩm quyền nơi gần nhất;
4. Thực hiện đúng chỉ định của thầy thuốc về sử dụng thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần để chữa bệnh (nếu có sử dụng);
5. Tham gia, hỗ trợ hoạt động cai nghiện ma tuý tại các cơ sở cai nghiện và tại cộng đồng; theo dõi, giúp đỡ người đã cai nghiện ma túy hoà nhập cộng đồng; phòng, chống tái nghiện;
6. Vì tương lai của bản thân và gia đình, vì thế hệ mai sau, vì sự tồn vong của dân tộc. Mỗi một người dân hãy nêu cao tinh thần, trách nhiệm ngăn chặn, bài trừ tận gốc tệ nạn ma tuý ra khỏi cuộc sống đem lại sự bình yên cho mọi nhà và đảm bảo trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Vì một xã hội tươi đẹp hơn “Hãy nói không với ma túy” “Hãy bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm hoạ ma tuý”.