Ủy ban nhân dân huyện Ninh Sơn triển khai Chỉ thị của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

Đăng ngày 08 - 10 - 2024
Lượt xem: 30
100%

Từ ngày 23/9/2024 đến ngày 07/10/2024, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) đã xảy ra tại 04 hộ chăn nuôi thuộc 03 thôn trên địa bàn xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn (Nha Hố 1, Nha Hố 2 và Núi Ngỗng) với tổng số lợn bệnh chết và tiêu hủy 88 con (trong đó tiêu hủy 36 con).

 

Trước tình hình diễn biến phức tạp của bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) trên địa bàn huyện. Thực hiện Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 06/10/2024 của UBND tỉnh về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Ủy ban nhân dân huyện Ninh Sơn ban hành Công văn số 4496/UBND-NN ngày 08/10/2024 để triển khai thực hiện Chỉ thị số 10/CT-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận. Trong đó, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị và địa phương trong công tác phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) với một số nội dung sau:

1. Giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo cấp huyện):

- Là cơ quan đầu mối Ban Chỉ đạo cấp huyện điều phối, chỉ đạo các hoạt động phòng, chống bệnh DTLCP. Thường xuyên cập nhật thông tin, diễn biến của dịch bệnh; tùy theo tình hình thực tế và diễn biến của dịch bệnh để tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan và địa phương triển khai các biện pháp bổ sung cho phù hợp khi có dịch xảy ra.

 - Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn triển khai thực hiện công tác phòng, chống bệnh DTLCP trên địa bàn huyện theo Kế hoạch số 203/KH-UBND ngày 10/9/2020 của Ủy ban nhân dân huyện về phòng, chống bệnh DTLCP giai đoạn 2020-2025 trên địa bàn huyện Ninh Sơn.

- Phối hợp với Trạm Chăn nuôi và Thú y:

+ Tăng cường công tác tuyên truyền, giám sát dịch bệnh, hướng dẫn người dân thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học; vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại; tiêm phòng vắc-xin các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho đàn lợn và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

+ Tổ chức, thực hiện nghiêm việc kiểm soát giết mổ, kiểm dịch tại gốc và kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán lợn, sản phẩm của lợn theo quy định.

+ Chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông thông tin tuyên truyền về bệnh DTLCP và các biện pháp ứng phó với dịch bệnh.

+ Duy trì đường dây nóng theo số 077 555 0085 (Đồng chí Tâm) để tiếp nhận và xử lý thông tin kịp thời.

2. Giao Phòng Tài chính - Kế hoạch: Chủ trì, phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Ủy ban nhân dân huyện cân đối ngân sách địa phương bố trí kinh phí để tổ chức triển khai, thực hiện Kế hoạch phòng, chống bệnh DTLCP kịp thời, hiệu quả, đúng quy định; báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện nguồn kinh phí đầu tư phục vụ công tác phòng, chống dịch.

3. Giao Phòng Nội vụ: Phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn và đơn vị liên quan củng cố và tăng cường năng lực cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, nhất là cấp xã bảo đảm nguồn lực tinh gọn, phù hợp với thực tiễn đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch kịp thời, hiệu quả theo quy định Luật Thú y, chỉ đạo của Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 22/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

4. Đề nghị Chi cục Thống kê KV Ninh Sơn - Bác Ái: Chủ trì, phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cơ quan, đơn vị liên quan trong việc tổng hợp, thống nhất và chia sẻ số liệu tổng đàn lợn trên toàn huyện.

5. Giao Phòng Kinh tế - Hạ tầng: Phối hợp với Đội quản lý thị trường số 2, ngành Nông nghiệp và các đơn vị có liên quan trong công tác đấu tranh, xử lý các trường hợp buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa qua kiểm dịch trên thị trường, nhằm ngăn chặn bệnh DTLCP; phối hợp kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn hành vi đầu cơ, găm hàng, gian lận thương mại, đẩy giá bất hợp lý gây thiệt hại cho người tiêu dùng và ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi trên địa bàn huyện và trong tỉnh.

6. Đề nghị Đội Quản lý thị trường số 2: Phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan tăng cường công tác kiểm tra, ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, lưu thông và buôn bán lợn và các sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc vào địa bàn huyện.

7. Giao Trung tâm Y tế huyện: Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc kiểm tra đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

8. Giao Phòng Văn hóa - Thông tin: Chủ trì, phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức công tác truyền thông nguy cơ bệnh DTLCP, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng; đảm bảo chính xác, kịp thời để người dân không hoang mang, chủ động áp dụng các biện pháp phòng bệnh.

9. Giao Phòng Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì, phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn về bảo vệ môi trường đối với việc chôn lấp, tiêu hủy lợn bị bệnh DTLCP.

10. Giao Công an huyện: Phối hợp với Phòng Kinh tế - Hạ tầng, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Tài chính - Kế hoạch, Đội Quản lý thị trường số 2, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn đấu tranh, ngăn chặn, kịp thời bắt giữ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn không rõ nguồn gốc; tổ chức dừng phương tiện giao thông ra, vào vùng dịch để thực hiện việc kiểm soát vận chuyển và vệ sinh, sát trùng tiêu độc.

11. Yêu cầu Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn:

- Trên cơ sở Kế hoạch 203/KH-UBND ngày 10/9/2020 của Ủy ban nhân dân huyện về phòng, chống bệnh DTLCP giai đoạn 2020-2025 trên địa bàn huyện Ninh Sơn; xây dựng Kế hoạch và bố trí nguồn lực, vật tư, phương tiện, quỹ đất để chống dịch, tiêu hủy động vật mắc bệnh khi có dịch. Bố trí nguồn kinh phí phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương để tổ chức triển khai có hiệu quả phòng, chống bệnh DTLCP tại địa phương.

- Tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; cơ sở giết mổ động vật trên địa bàn, đặc biệt là các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ; kiên quyết không cho giết mổ nếu cơ sở hoạt động không phép hoặc không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm; tăng cường nhân lực cán bộ thú y cho việc kiểm soát giết mổ; hoạt động sơ chế, chế biến, vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật và vệ sinh thú y trên địa bàn.

- Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động chăn nuôi, vận chuyển lợn; không đưa lợn tái đàn khi địa phương còn dịch; không đưa và vận chuyển lợn bị dịch và nghi nhiễm dịch bệnh ra khỏi hộ chăn nuôi và trang trại chăn nuôi khi chưa có hướng dẫn của cơ quan thú ý; trước khi xuất chuồng phải có kiểm dịch và ý kiến của cơ quan thú y.

- Quản lý hoạt động của các cơ sở giết mổ động vật tập trung; hoạt động sơ chế, chế biến, vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật và vệ sinh thú y trên địa bàn.

- Hướng dẫn hằng ngày thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại khu vực chợ, nơi giết mổ lợn; vệ sinh, khử trùng, tiêu độc đối với người, phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật chăn nuôi, vệ sinh phòng dịch; định kỳ tổ chức vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường tại các khu vực nguy cơ cao về bệnh DTLCP.

- Củng cố công tác thú y tại địa phương; đặc biệt chú trọng khắc phục những tồn tại, bất cập trong công tác phòng, chống dịch bệnh, báo cáo số liệu dịch bệnh theo đúng quy định.

- Thực hiện nghiêm việc báo cáo tình hình dịch bệnh hàng ngày về Ủy ban nhân dân huyện (qua Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nếu có dịch xảy ra trên địa bàn quản lý.

- Thành lập các tổ, đội công tác chuyên trách để ứng phó với các tình huống pát hiện vi rút gây bệnh DTLCP xâm nhiễm vào địa phương; trong đó dự phòng sẵn các phương án tiêu hủy, nơi chôn, đốt lợn, sản phẩm lợn nếu phát hiện dương tính hoặc nghi nhiễm bệnh DTLCP tại địa phương (bao gồm vôi bột, hóa chất, dụng cụ, phương tiện vận chuyển nơi phát hiện lợn dương tính đến nơi tiêu hủy).

- Cùng với lực lượng Thú y tập trung rà soát, nắm bắt thông tin, số lượng chính xác các cơ sở chăn nuôi (hộ chăn nuôi, trang trại, công ty) và quy mô đàn lợn trên địa bàn quản lý để tăng cường tuyên truyền đến từng cơ sở chăn nuôi về tính chất nguy hiểm của bệnh DTLCP, diễn biến tình hình dịch bệnh, nguy cơ lây lan và hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP để chủ cơ sở chăn nuôi biết và chủ động áp dụng các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP theo quy định.

- Tiếp nhận khai báo tái đàn và kê khai các cơ sở chăn nuôi theo quy định tại Thông tư số 20/2019/TT-BNNPTNT ngày 22/11/2019 và Thông tư số 23/2019/TT-BNNPTNT ngày 23/11/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là công tác giám sát, phát hiện, báo cáo và xử lý ổ dịch theo quy định của Luật thú y và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; tăng cường quản lý hoạt động của cơ sở giết mổ nhỏ lẻ.

- Sau khi kết thúc tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng, tiếp tục tổ chức thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng định kỳ trên địa bàn 1 lần/tuần; đặc biệt lưu ý khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn bằng hóa chất và vôi bột.

* Riêng đối với các địa phương có dịch, ngoài việc triển khai các biện pháp như trên, Ủy ban nhân dân xã Nhơn Sơn cùng các lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường triển khai quyết liệt, kịp thời các giải pháp phòng, chống bệnh DTLCP; trong đó tập trung rà soát, triển khai ngay các phương án khoanh vùng dịch, cách ly, dập dịch dứt điểm, không để lây lan dịch bệnh; tổ chức tiêu hủy lợn nhiễm bệnh và truy vết các ổ dịch theo quy định. Chỉ đạo trực chốt kiểm soát, trực 24/24 bên ngoài vùng dịch để kiểm soát nghiêm ngặt tại các cửa ngõ ra vào vùng dịch theo quy định; tuyệt đối không đưa lợn từ bên ngoài vào trong vùng dịch để tái đàn, chỉ được đưa lợn ra ngoài vùng dịch khi lợn khỏe mạnh, được xét nghiệm có kết quả âm tính với mầm bệnh DTLCP và có sự giám sát của cơ quan thú y.

12. Đề nghị các doanh nghiệp, người chăn nuôi, người vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện:

- Thực hiện các quy định hiện hành của pháp luật về chăn nuôi, thú y, phòng, chống dịch bệnh; thực hiện theo chỉ đạo, đề nghị của cơ quan Trung ương và địa phương được giao chủ trì, tổ chức thực hiện phòng, chống dịch bệnh.

- Phối hợp tốt với cơ quan chức năng, thông báo kịp thời khi phát hiện tình trạng giấu dịch của địa phương, của hộ khác, tình trạng vứt xác lợn ốm chết ra môi trường, hiện tượng bán chạy lợn bệnh, không tuân thủ các biện pháp chống dịch của người chăn nuôi.

13. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện và các tổ chức chính trị-xã hội huyện: Tăng cường tuyên truyền, vận động các đoàn viên, hội viên, cộng đồng dân cư thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP trên địa bàn huyện.

14. Giao Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh huyện: Phối hợp ngành Nông nghiệp cập nhật kịp thời thông tin và diễn biến tình hình dịch bệnh; tăng cường thời lượng phát sóng về tình hình, biện pháp phòng chống bệnh DTLCP.

Yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn triển khai thực hiện./.

Tin liên quan

Tin mới nhất

Tăng cường công tác bảo vệ động vật nguy cấp quý hiếm trên địa bàn huyện Ninh Sơn(07/10/2024 5:10 CH)

Ngày hội việc làm năm 2024(28/09/2024 10:09 SA)

Triển khai các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2024 trên địa bàn huyện(26/09/2024 2:24 CH)

UBND huyện: Triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2024(19/09/2024 6:25 SA)

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, nâng cao Chỉ số năng lực...(09/09/2024 7:49 SA)

40 người đang online
°