Tín dụng ưu đãi trên miền nắng gió (Bài 3)

Đăng ngày 18 - 12 - 2024
Lượt xem: 29
100%

Chỉ thị số 40-CT/TW - ngọn lửa soi đường cho tín dụng chính sách ở Ninh Thuận và nhiều nơi khác. Trên hành trình ấy, vai trò của Đảng không chỉ là kim chỉ nam, mà còn là lời cam kết mạnh mẽ rằng: Sẽ không có ai bị bỏ lại phía sau!

 

Bài 3: Để không còn ai bị bỏ lại phía sau

Những đổi thay kỳ diệu

Ở Ninh Thuận - vùng đất nghèo khó khô cằn sỏi đá, tín dụng chính sách đã thực sự thay đổi cuộc sống của người dân. Những mái nhà tạm bợ giờ đã đổi thay bằng mái ngói vững chãi; những cánh đồng hoang hóa được phủ xanh bởi mùa màng bội thu; giấc mơ tưởng chừng xa vời đã trở thành hiện thực.

Với những ai từng đặt chân đến Ninh Thuận, hình ảnh đầu tiên có thể là cái nắng gay gắt, cái thô rát của từng cơn gió hun hút, trải dài trên dải đất khô cằn. Thế nhưng, ở nơi tưởng như khó khăn chồng chất ấy, tín dụng chính sách đã thắp sáng giấc mơ, gieo mầm hy vọng cho biết bao con người.

Bác Ái - một huyện miền núi khó khăn của tỉnh, đã có sự chuyển mình mạnh mẽ nhờ vào nguồn vốn tín dụng chính sách. Đây là một trong 62 huyện nghèo cả nước theo Nghị quyết 30a/2008/NQCP của Chính phủ, với 9/9 xã thuộc khu vực III, có 36/38 thôn đặc biệt khó khăn và trên 95% dân số là đồng bào dân tộc Raglai. Song, việc triển khai nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp hàng nghìn hộ gia đình vươn lên thoát nghèo, tạo công ăn việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống...

Đồng bào dân tộc Raglai nơi đây, vốn mang trong mình truyền thống cần cù, chịu khó, đã nhận thức rõ giá trị của nguồn vốn hỗ trợ, không ngừng nỗ lực làm giàu cho bản thân và cộng đồng. Nhờ vào các chương trình vay vốn để phát triển sản xuất, chăn nuôi, hàng nghìn gia đình nơi đây đã thoát khỏi cảnh nghèo khó.

Gia đình ông Katơr Hoi ở thôn Rã Giữa, xã Phước Trung, huyện Bác Ái, từng sống trong cảnh khó khăn chồng chất. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương cùng những nỗ lực tuyên truyền, vận động từ cán bộ tín dụng Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bác Ái, cuộc sống của gia đình ông đã có bước chuyển tích cực. Được khuyến khích chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế, ông Katơr Hoi mạnh dạn vay 30 triệu đồng từ ngân hàng, đầu tư mua bò và dê về chăn nuôi.

Nhờ sự cần cù lao động và sự kiên trì, đàn bò và dê của ông ngày càng sinh sôi, phát triển, hiện đã lên đến gần 30 con. Từ đó, gia đình không chỉ thoát khỏi cảnh nghèo túng mà còn dần ổn định cuộc sống. Ông Katơr Hoi chia sẻ đầy xúc động: “Ngày trước cả nhà loay hoay với mảnh đất khô cằn, làm mãi mà không đủ ăn. Nhờ được các cán bộ ngân hàng tư vấn, tôi mới dám nghĩ đến việc vay vốn để nuôi bò, dê. Bây giờ, nhìn đàn gia súc mỗi ngày một lớn, tôi thật sự thấy mừng. Nhờ đồng vốn đó mà gia đình tôi mới có được cuộc sống như hôm nay!

Không riêng gì Bác Ái, tại các huyện Ninh Sơn, Ninh Phước, Thuận Nam và Thuận Bắc... đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số cũng có bước phát triển mới. Bà Pi Năng Thị Thủy, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận, đánh giá: “Chỉ thị số 40-CT/TW là một chủ trương lớn, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với người dân trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số. Việc triển khai tín dụng chính sách đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống người dân và thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng miền”.

Nếu như Bác Ái là minh chứng cho sự hồi sinh ở vùng cao thì Ninh Hải - một huyện ven biển, lại mang một sắc thái khác khi tín dụng chính sách góp phần dựng xây những nông thôn mới khang trang, tràn đầy sức sống. Hơn 10 năm qua, từ một địa phương còn nhiều khó khăn, Ninh Hải đã vươn mình mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Thông qua các chương trình tín dụng ưu đãi, nhiều hộ nghèo, gia đình chính sách đã có điều kiện vay vốn để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống... Ông Phan Tấn Cảnh, Bí thư Huyện ủy Ninh Hải khẳng định: “Chỉ thị số 40-CT/TW đã giúp huyện thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo sinh kế việc làm cho người dân, đồng thời nâng cao chất lượng đời sống với tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 4,28% năm 2014 xuống còn 2,34% vào cuối năm 2023”.

Tiếp tục “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”

Ông Lê Minh Lộc, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Ninh Thuận cho biết, ngay sau khi Chỉ thị số 40-CT/TW được ban hành, hoạt động tín dụng chính sách xã hội tại Ninh Thuận đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Ngân hàng Chính sách xã hội, chi nhánh tỉnh đã cùng các cơ quan, ban ngành phối hợp chặt chẽ triển khai các chương trình tín dụng chính sách, giúp người dân tiếp cận vốn vay với lãi suất ưu đãi. Những chính sách này đặc biệt có ý nghĩa đối với các đối tượng chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, gia đình có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng miền khó khăn...

Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ về cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị, trụ sở làm việc, hoạt động ngân hàng ngày càng nâng cao, nguồn vốn tín dụng không ngừng tăng trưởng và phát triển bền vững cả về quy mô và chất lượng. Công tác bình xét cho vay luôn được chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo, quá trình bình xét cho vay đúng đối tượng thụ hưởng, đảm bảo đúng theo tinh thần, chủ trương của Đảng, Chính phủ là “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Trên thực tế, hơn một thập kỷ trôi qua với Chỉ thị số 40-CT/TW, khi “Ý Đảng đã hợp với lòng dân”, tín dụng chính sách đã không chỉ góp phần thay đổi diện mạo của Ninh Thuận, mà còn thay đổi cả cuộc đời của biết bao gia đình nơi đây. Đến nay, toàn tỉnh đã thoát khỏi “vùng trũng”, “rốn nghèo” của cả nước, khi tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,21% giai đoạn 2021-2023, bình quân mỗi năm giảm gần 1,5%, vượt kế hoạch đề ra. Thành quả trên là minh chứng sống động cho sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đúng đắn của lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo bền vững, đặc biệt đã triển khai thực hiện mạnh mẽ, sâu rộng Chỉ thị số 40-CT/TW “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”.

Tuy nhiên, trên thực tế tại Ninh Thuận cũng như một số địa phương khác trong cả nước, việc chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong tổ chức huy động nguồn lực tạo lập nguồn vốn, sự đóng góp của tổ chức xã hội, các doanh nghiệp còn hạn chế; vốn và các quỹ có nguồn gốc từ ngân sách chưa được tập trung về một đầu mối là Ngân hàng Chính sách xã hội. Bên cạnh, hiện nay hộ vay thuộc các xã vùng khó khăn đã đạt chuẩn nông thôn mới không còn được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi; Nguồn lực thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi hạn chế so với nhu cầu thực tế của người nghèo và các đối tượng chính sách, đặc biệt là nguồn vốn chương trình cho vay giải quyết việc làm, tạo sinh kế cho người dân chưa đáp ứng nhu cầu...

Trong thời gian tới, để “Ý Đảng tiếp tục hợp với lòng dân”, để không còn ai bị bỏ lại phía sau... ông Nguyễn Đức Thanh, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Ninh Thuận yêu cầu, tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt hàng năm của cấp uỷ, chính quyền các cấp.

Các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội trong quản lý, tổ chức thực hiện và nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội. Xây dựng, lồng ghép mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững của địa phương với việc sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội. Tăng cường trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội nhất là các huyện, thành phố, các xã phường, thị trấn có chất lượng tín dụng còn thấp...

Với những kết quả tích cực đạt được từ Chỉ thị số 40-CT/TW, có thể khẳng định, chính sách này đã và đang góp phần rất lớn vào công cuộc giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng đời sống người dân tại Ninh Thuận nói riêng và cả nước nói chung. Dẫu vậy, hành trình này vẫn đang tiếp tục, nhiệm vụ giảm nghèo bền vững, tạo sinh kế lâu dài cho người dân trên miền nắng gió Ninh Thuận vẫn còn đó.

Và trong chuỗi ngày nắng gió không ngừng nghỉ, những cán bộ tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội lại cần mẫn trên khắp các nẻo đường, mang theo niềm tin và trách nhiệm. Họ hiểu rằng, sự tận tụy hôm nay sẽ là nền tảng cho những thành công lớn hơn nữa trong tương lai. Để mãi mãi không cònai bị bỏ lại phía sau!

Tin liên quan

Tin mới nhất

Ninh Sơn ban hành Kế hoạch tổ chức Lễ giao nhận quân năm 2025(13/01/2025 8:27 SA)

Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo triển khai công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân trên...(08/01/2025 8:41 SA)

đăng ký hộ kinh doanh trên môi trường điện tử (Online).(02/01/2025 10:21 SA)

Một số điểm mới của Nghị định số 147/2024/NĐ-CP ngày 09/11/2024 của Chính phủ quản lý, cung cấp,...(02/01/2025 10:04 SA)

Quyết định về việc phê duyệt Đồ án quy hoạch chung xây dựng xã Quảng Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh...(02/01/2025 7:58 CH)

261 người đang online
°