Ngày 17/9/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 116/2024/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và Nghị định số 06/2023/NĐ-CP ngày 21/02/2023 quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức.
Theo đó, Nghị định 116/2024/NĐ-CP có một số điểm mới về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức. Ban Biên tập Trang Thông tin điện tử huyện tổng hợp như sau:
1. Công chức lãnh đạo, quản lý có thể được bổ nhiệm lại với số lần không hạn chế
Tại Khoản 27 Điều 1 Nghị định số 116/2024/NĐ-CP sửa đổi Khoản 2 Điều 41 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP quy định: Công chức lãnh đạo, quản lý có thể được bổ nhiệm lại với số lần không hạn chế, trừ trường hợp có quy định khác của Đảng hoặc của pháp luật chuyên ngành.
Trước đây, Nghị định số 138/2020/NĐ-CP quy định thời hạn giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không được quá hai nhiệm kỳ liên tiếp được thực hiện theo quy định của Đảng và pháp luật chuyên ngành.
2. Bổ sung các trường hợp tạm đình chỉ công tác đối với công chức
Nghị định 116/2024/NĐ-CP bổ sung Điều 68a sau Điều 68 của Nghị định số 138/2020/NĐ-CP quy định Công chức có thể bị tạm đình chỉ công tác trong các trường hợp sau:
- Có hành vi vi phạm về phẩm chất đạo đức, lối sống gây ảnh hưởng tiêu cực, bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng xấu đến uy tín tổ chức, cá nhân;
- Có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức trong quá trình thực thi công vụ;
- Cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không thực hiện công việc thuộc thẩm quyền theo chức năng, nhiệm vụ được giao;
- Đang bị xem xét, xử lý kỷ luật mà cố ý không thực hiện yêu cầu của cấp có thẩm quyền trong quá trình xem xét, xử lý vi phạm của bản thân hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn, ảnh hưởng của mình, của người khác để tác động, gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý hoặc nếu để tiếp tục làm việc có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý kỷ luật;
- Đã bị xử lý kỷ luật Đảng và đang trong thời gian chờ xem xét, xử lý chức vụ chính quyền mà nếu tiếp tục công tác sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị;
- Có văn bản đề nghị tạm đình chỉ công tác của cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, các cơ quan tiến hành tố tụng hoặc của cơ quan khác có thẩm quyền;
- Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
3. Bãi bỏ quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức
Tại Điều 2 Nghị định 116/2024/NĐ-CP quy định bãi bỏ Điều 12 và Khoản 2 Điều 13 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 21 tháng 02 năm 2023 quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức.
4. Sửa đổi quy định xếp ngạch, bậc lương đối với người được tuyển dụng vào công chức đã có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
Tại Khoản 12 Điều 1 Nghị định 116/2024/NĐ-CP sửa đổi Điều 19 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP về xếp ngạch, bậc lương đối với người được tuyển dụng vào công chức đã có thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc như sau:
Trường hợp người được tuyển dụng vào công chức theo quy định tại Nghị định số 138/2020/NĐ-CP đã có thời gian công tác theo đúng quy định của pháp luật, có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (nếu không liên tục mà chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thì được cộng dồn), được bố trí làm công việc theo đúng chuyên môn, nghiệp vụ trước đây đã đảm nhiệm thì thời gian công tác đó được tính làm căn cứ để xếp lương ở ngạch công chức tương ứng theo vị trí việc làm được tuyển dụng.
5. Sửa đổi lương của người tập sự công chức
Tại Khoản 14 Điều 1 Nghị định 116/2024/NĐ-CP sửa đổi Khoản 1 Điều 22 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP về lương của người tập sự công chức như sau:
- Trong thời gian tập sự, người tập sự được hưởng 85% mức lương bậc 1 của ngạch tuyển dụng.
- Trường hợp người tập sự có bằng tốt nghiệp ở trình độ đào tạo cao hơn so với yêu cầu về trình độ đào tạo của vị trí việc làm được tuyển dụng thì mỗi mức trình độ đào tạo cao hơn được cộng thêm 01 bậc lương và được hưởng 85% hệ số lương ở bậc được xếp.
- Các khoản phụ cấp được hưởng theo quy định của pháp luật.
Trước đây, Nghị định số 138/2020/NĐ-CP quy định người tập sự có trình độ thạc sĩ phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm tuyển dụng thì được hưởng 85% mức lương bậc 2 của ngạch tuyển dụng; trường hợp người tập sự có trình độ tiến sĩ phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm tuyển dụng thì được hưởng 85% mức lương bậc 3 của ngạch tuyển dụng.
6. Quy định chi tiết các trường hợp xét nâng ngạch công chức
Tại Khoản 19 Điều 1 Nghị định 116/2024/NĐ-CP sửa đổi Điều 31 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP các trường hợp được xét nâng ngạch công chức được sửa đổi như sau:
- Đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại các Điểm a, b và c Khoản 3 Điều 30 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 116/2024/NĐ-CP) và có thành tích trong hoạt động công vụ được cấp có thẩm quyền công nhận:
+ Được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự thi nâng ngạch; có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; không đang trong thời hạn xử lý kỷ luật; không đang trong thời gian bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử; không đang trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật theo quy định của Đảng và của pháp luật;
+ Có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhận vị trí việc làm tương ứng với ngạch công chức cao hơn ngạch công chức hiện giữ trong cùng ngành chuyên môn;
+ Đáp ứng yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ (không yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học) và yêu cầu khác về tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch dự thi.
- Đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại các Điểm a, b và c Khoản 3 Điều 30 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 116/2024/NĐ-CP) nêu trên và được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý quy định tại Điều 31b Nghị định số 138/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 116/2024/NĐ-CP).
Theo đó, Nghị định 116/2024/NĐ-CP còn bổ sung Điều 31a và 31b Nghị định số 138/2020/NĐ-CP quy định chi tiết các trường hợp xét nâng ngạch công chức, cụ thể:
- Xét nâng ngạch khi có thành tích trong hoạt động công vụ
- Xét nâng ngạch khi được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
7. Sửa đổi quy định tiếp nhận vào công chức
Tại Khoản 11 Điều 1 Nghị định 116/2024/NĐ-CP sửa đổi Điều 18 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP quy định về tiếp nhận vào công chức. Trong đó, tiêu chuẩn, điều kiện tiếp nhận vào công chức như sau:
Căn cứ yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức xem xét, tiếp nhận vào công chức đối với các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 18 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện của vị trí việc làm và điều kiện đăng ký dự tuyển công chức quy định tại Khoản 1 Điều 36 Luật Cán bộ, công chức 2008, không đang trong thời hạn xử lý kỷ luật, không đang trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật theo quy định của Đảng, của pháp luật và các tiêu chuẩn, điều kiện sau:
- Trường hợp quy định tại các Điểm a, b và c Khoản 1 Điều 18 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP phải có đủ 05 năm công tác trở lên theo đúng quy định của pháp luật, có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (không tính thời gian tập sự, thử việc, nếu không liên tục và chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội 01 lần thì được cộng dồn, kể cả thời gian công tác nếu có trước đó ở vị trí công việc quy định tại các Điểm a, b, c và d Khoản 1 Điều 18 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP), làm công việc có yêu cầu trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với công việc ở vị trí việc làm dự kiến tiếp nhận;
- Trường hợp quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 18 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP chỉ thực hiện việc tiếp nhận để bổ nhiệm làm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, phải có đủ 05 năm công tác trở lên theo đúng quy định của pháp luật (không kể thời gian tập sự, thử việc) làm công việc phù hợp với vị trí việc làm dự kiến tiếp nhận và phải được quy hoạch vào chức vụ, chức danh dự kiến bổ nhiệm hoặc chức vụ, chức danh tương đương trở lên;
- Trường hợp quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 18 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP phải được cấp có thẩm quyền quyết định điều động, luân chuyển bằng văn bản đến làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác theo yêu cầu nhiệm vụ; không yêu cầu phải có đủ thời gian 05 năm công tác trở lên làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị được điều động, luân chuyển đến.
8. Bổ sung đối tượng được cộng điểm ưu tiên trong tuyển dụng công chức
Tại Khoản 2 Điều 1 Nghị định 116/2024/NĐ-CP bổ sung Điểm d vào Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP đối tượng được cộng điểm ưu tiên trong tuyển dụng công chức:
Cán bộ Công đoàn trưởng thành từ cơ sở, trong phong trào công nhân theo quy định của cấp có thẩm quyền: Được cộng 1,5 điểm vào kết quả điểm vòng 2.
Như vậy, kể từ 17 tháng 9 năm 2024 đối tượng và điểm ưu tiên trong thi tuyển hoặc xét tuyển công chức gồm các trường hợp sau:
- Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B: Được cộng 7,5 điểm vào kết quả điểm vòng 2;
- Người dân tộc thiểu số, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an, quân nhân chuyên nghiệp phục viên, người làm công tác cơ yếu chuyển ngành, học viên tốt nghiệp đào tạo sĩ quan dự bị, tốt nghiệp đào tạo Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã ngành quân sự cơ sở được phong quân hàm sĩ quan dự bị đã đăng ký ngạch sĩ quan dự bị, con liệt sĩ, con thương binh, con bệnh binh, con của người hưởng chính sách như thương binh, con của thương binh loại B, con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, con Anh hùng Lực lượng vũ trang, con Anh hùng Lao động: Được cộng 5 điểm vào kết quả điểm vòng 2;
- Người hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia Công an Nhân dân, đội viên thanh niên xung phong: Được cộng 2,5 điểm vào kết quả điểm vòng 2.
- Cán bộ Công đoàn trưởng thành từ cơ sở, trong phong trào công nhân theo quy định của cấp có thẩm quyền: Được cộng 1,5 điểm vào kết quả điểm vòng 2.
Nghị định 116/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 17/9/2024./.